Nước ta vốn nổi tiếng với sự hòa trộn văn hóa của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền luôn có những phong tục tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng cho văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, ba miền Bắc - Trung - Nam, mỗi miền đều có những phong tục ngày Tết rất riêng, rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa sâu sắc
Hoa chơi ngày Tết đa dạng
Phong tục Tết của người miền Trung khá đơn giản, ít câu nệ. Ví dụ như việc chơi hoa ngày Tết, người miền Trung có thể chơi cả đào, cả mai, cả quất... tùy thích. Ngoài ra, người dân còn thường chọn thêm nhiều loại cây, hoa cảnh để bày trong nhà dịp Tết đến xuân về như cây cúc vạn thọ, cây hoa trạng nguyên...
Cách bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả của người miền Trung không cầu kỳ như miền Bắc, cũng không mang ý nghĩa đặc biệt như miền Nam mà thường có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, người miền Trung không hay dùng chuối xanh (đắng, chát), mà thường lựa những loại quả ngọt ngào, tròn thơm để cầu mong một năm mới an vui, thuận lợi.
Mâm cỗ Tết đặc trưng của miền Trung
Mâm cỗ Tết của người miền Trung cũng khá đặc biệt khi có sự hiện diện của cả bánh chưng và bánh tét. Người miền Trung thường cúng bánh chưng, nhưng ăn thì thường chọn bánh tét. Ở một số tỉnh, nhất là Huế, mâm cỗ cúng còn được làm khá cầu kỳ, đủ thức ngon, sơn hào hải vị. Nổi bật nhất trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung phải kể đến các món cuốn như cuốn thịt luộc, cuốn tai heo… kèm theo đó là đủ các loại rau, chấm cùng với mắm nêm đậm đà. Ngoài ra, để cho đỡ ngán, người miền Trung sẽ chuẩn bị thêm trên mâm cỗ một số món như nem chua, thịt giấm, củ kiệu muối... nhằm kích thích vị giác.
Một số phong tục khác
Người miền Trung cũng cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch như hai miền còn lại. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất tạo nên nét đặc trưng của lễ cúng Táo quân ở miền Trung, đó là người ta sẽ không cúng áo mũ vàng mã và thả cá chép cho các Táo như miền Bắc hay đốt "cò bay, ngựa chạy" như người miền Nam. Thay vào đó, họ dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ và đốt vàng mã dâng lên các vị thần linh.
Ngày 30 Tết, buổi sáng đàn ông trụ cột của gia đình đi mộ thắp hương cho ông bà tổ tiên, mời ông bà cùng về ăn Tết với con cháu. Sau khi cúng Tất niên xong thì cả gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm cuối năm để tổng kết năm cũ cũng như chia sẻ những kế hoạch năm mới.
Xông đất cũng là một trong những phong tục Tết Nguyên Đán của người miền Trung vào sáng mùng 1. Thường gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm.
Kiêng kỵ ngày Tết của người miền Trung
Một trong những phong tục tập quán nổi bật trong dịp Tết của người miền Trung đó là không ăn tôm, không ăn thịt vịt, trứng vịt lộn...
Tết của người miền Trung được đánh giá là khá thoải mái, tuy nhiên, những điều kiêng kỵ cũng không phải là không có. Vào dịp Tết, theo đúng phong tục, người miền Trung thường kiêng các món chế biến từ tôm vì sợ sẽ đi giật lùi như tôm. Ngoài ra người ta cũng kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt vì cho rằng ăn thịt vịt vào ngày đầu sẽ gặp xui xẻo. Một số nơi ở miền Trung còn kiêng mặc đồ màu trắng trong suốt tháng Giêng.
Nguồn: Sưu tầm
CÔNG TY CP VSKY VIỆT NAM
Văn phòng: Số 79/649 đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 024 3995 4990 - Hotline: 0912 293 769 (iSMS, Zalo, Line, Viber)
Website: www.locnuoc360.com - Email: locnuoc360.com@gmail.com
Chia sẻ:
© Bản quyền thuộc về Lọc nước Công nghiệp và Dân dụng | Cung cấp bởi Bizweb